Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

“Ết” trên “cao nguyên đá”

Chẳng biết tự bao giờ, ở nơi xa lắc xa lơ này mà “ết” đã “bò” qua cổng trời, để rồi trở thành vấn nạn trên cao nguyên đá...

Chuyện buồn ở Phố Vạt

Nằm ở tột cùng phía Bắc Tổ quốc, với số dân hơn 600.000 người, 22 dân tộc chung sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 25% nên Hà Giang vẫn được coi là tỉnh nghèo. Hơn thế nữa, mảnh đất này một thời còn được mệnh danh là “vựa thuốc phiện”. Rồi việc bùng phát của các bãi vàng kéo theo các tệ nạn xã hội đã cho thấy đây là nơi khá thuận lợi cho căn bệnh “ết” phát triển. Theo báo cáo về công tác phòng chống HIV/AIDS của Sở Y tế: Đến tháng 11 năm 2006 thì tất cả 10 huyện, thị của Hà Giang đều có người nhiễm HIV/AIDS với 446 trường hợp (trên 80% là do nghiện, chích ma tuý), có 87 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 75 người đã chết. Trong 10 huyện, thị có xuất hiện “ết” thì thị xã Hà Giang và huyện Vị Xuyên là phức tạp hơn cả, với nhiều đối tượng lây nhiễm được phát hiện.

Chúng tôi về phố Vạt trên một chuyến xe khách cuối ngày. Phố Vạt, trung tâm giao lưu và trao đổi hàng hoá lớn thứ hai của huyện Vị Xuyên, nơi nổi tiếng với những bãi vàng như Hai Tư, Linh Hồ, Ngọc Minh... và những chuyến hàng “trắng”. Phố Vạt nhà xây, tiếng loa, con đường đất đã được trải nhựa, xe chạy hai làn, đèn cao áp sáng trưng. Cùng với sự phát triển của phố thị đã kéo theo các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nghiện hút. Ngày chúng tôi đến, cả phố Vạt buồn tênh, dò hỏi, mới biết, vừa có một “đại gia” nghiện hút thâm niên ở đất này chết vì “ết”. Đó là D, sinh năm 1974, vốn là con của một công chức biết làm giàu. D vốn đẹp trai, sống quảng giao lại có tiền nên nhiều bạn.

Các bãi vàng nổ ra, D cai quản tới vài mảng tời. Lợi nhuận thu lại là những xấp tiền với đủ mệnh giá. D đã dùng ma túy, rồi nghiện. Sẵn tiền, D lôi kéo bao thanh niên vào sới. Vàng khan, tiền hết, cậu quay ra kiếm sống bằng... kim tiêm. Để có lợi nhuận, có thuốc đáp ứng cho những cơn nghiện, cậu ta lại rủ thêm người. Rồi cũng chẳng biết cậu nhiễm “ết’ từ đâu, từ lúc nào và truyền từ những chiếc xi lanh ấy cho bao người. Chỉ biết, khi cậu chết, căn bệnh được công bố thì cả phố Vạt giật mình. Rất nhiều người mẹ, người cha mà chúng tôi có dịp gặp ở phố Vạt đều ngậm ngùi: Thằng D chết, thanh niên phố này đều sợ. Trước, chúng tôi có biết “ết” là thế nào đâu. Nguy hiểm quá! Không biết ở phố Vạt hiện tại đã có bao nhiêu thanh niên mắc “ết”. Những gia đình có con nghiện, đã đi đêm về hôm với D hoàn toàn khủng hoảng tinh thần, bất lực và không hướng giải quyết.